Cây Nhất chi mai được nhiều người chơi mua về mỗi độ dịp tết đến xuân về .Mặc dù, Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm thăng trầm, cho đến nay mọi thứ đã thay đổi cho phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên. Nhưng có một điều dễ nhận thấy rằng, cái gì thuộc về hồn cốt, về nét đẹp cổ truyền vẫn luôn được gìn giữ trân trọng nhất là cách chơi, thưởng thức cái đẹp của hoa cây cảnh.
Giới thiệu về cây Nhất chi mai
Trên thế giới có tới hơn 20 loài mai thuộc họ mai. Ở Việt Nam hoa mai được biết đến và yêu chuộng phải kể đến là hoa mai vàng, và Nhất chi mai. Nhất chi mai còn có tên gọi khác là Nhị độ mai khác hoàn toàn với cây mai vàng. Cây có mặt ở hầu khăp các tỉnh thành của nước ta, đặc biệt là vùng đất kinh kì xưa và nay vào dịp Tết không thể thiếu loài hoa mai trắng này. Vậy loài hoa này có điều gì đặc biệt?
Xem thêm kỹ thuật trồng mai vàng , quy trình, khoảng cách được chia sẻ bởi chuyên gia
Đặc điểm của cây Nhất chi mai
Cây nhất chi mai còn gọi là Mai trắng (Bạch mai, Hàn mai, Lưỡng nhị mai, nhị độ mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. &Amp; Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Ở đây cần phân biệt rõ, tuy tên dân dã là mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Nó hoàn toàn khác với giống mai vàng miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae).
Chỉ cây nhất chi mai mới tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Lần hai là chính vụ, còn lần đầu ví như Nhất Chi Mai nở để cổ vũ họ hàng hoa mai mà thôi. Có lẽ, đó là điều đặc biệt hơn cả, giống như tuyết rơi giữa mùa hè vậy…
Không giống như các loài hoa khác, nhất chi mai khi còn là nụ chúng có màu hồng pha sắc trắng đẹp trong trẻo. Trên mỗi ngọn chi chít nụ hoa đang e ấp chờ xuân sang. Trong khi các loài hoa khác héo rũ, tàn tạ rồi mới rụng thì hoa mai lúc lìa cành sắc hoa chuyển đỏ rồi mới rụng nhưng vẫn đẹp lạ thường.
Là loài cây thân gỗ nên cành lâu năm gốc cây càng phình to, xù xì già nua và không có quả. Vẻ đẹp của những cây mai nhìn cứng cỏi, phong trần. Trải qua những ngày hè nắng nóng, nhất chi mai vẫn chẳng “sờn gan” để đến mùa đông tháng giá nhất chi mai nở rộ để chào đón một mùa xuân mới cùng thiên nhiên đất trời.
Tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc mai vàng nhanh lớn không sâu bệnh
Cách trồng và chăm sóc cây nhất chi mai
Cây nhất chi mai ưa nước nhưng không chịu được úng. Không để bầu đất sũng nước thường xuyên, cũng không được để đất khô cây sẽ bỏ cành. Tốt nhất là trồng ra vườn thì lâu lâu bón phân là được, còn trồng trong chậu thì phải thăm nom ngày 2 lần sáng tối xem độ ẩm của đất thế nào.
Nên đặt cây mai nơi nhiều nắng và gió, cây cằn hoa sẽ to và dầy. Nếu cây quá xanh tốt hoa sẽ nhỏ và thưa.
Đất trồng cây nhất chi mai
Do rễ cây nhất chi mai nhỏ, yếu nên đất trồng phải có độ thoáng cao kẻo rễ bị nghẹt sẽ không phát được. Với kiểu chơi truyền thống, các cụ lấy đất mặt ruộng phơi thật khô, đập nhỏ và dùng sàng lọc ra những hạt có kích cỡ 3mm-5mm để dùng. Trộn thêm ít phân chuồng ủ hoai, thế là đủ.
Phân bón cho cây nhất chi mai
– Cây nhất chi mai rất thích nước giải vì thế bạn cần có một cái chum để chứa thứ đó, pha thật loãng (1 nước giải/20 nước) tưới cho cây tuần 1 lần.
– Ngoài ra nên dùng luân phiên xen kẽ nhiều loại nước không lên men khác như nước vo gạo, nước tiểu ngâm hoặc nước ốc ngâm trong để cây đủ chất. Tránh tưới nước vào giữa trưa nắng. Không nên bón phân hóa học, kể cả NPK vì dễ khiến cây chảy nhựa vào mùa hè.
– Nếu ngại pha phân vào nước, bạn có thể bón phân 1 lần bằng cách mua hạt đậu tương về, giã nhuyễn và chôn xung quanh gốc cách 10cm từng viên cỡ củ lạc. Khi tưới phân sẽ tan dần vào đất.
Bài viết liên quan cách chăm sóc mai vàng chơi tết
Cắt tỉa cây nhất chi mai theo từng mục đích
–Cắt tỉa để tạo dáng: Nên cắt sớm khoảng cuối tháng chạp. “Khoảng” đó thôi chứ còn tùy từng cây có thể sớm hơn hay muộn hơn chút. Bạn hãy để ý nếu thấy đầu ngọn hơi sưng lên, chuyển màu xanh nhạt tức là cây sắp phát chồi non, khi đó tỉa là tối ưu nhất. Với mục đích cắt tỉa này ta không cần chơi hoa cho nên cắt sớm để tận dụng thời gian bung chồi mạnh của cây vào dịp đầu xuân, ta có thể cắt tỉa, vặn vẹo mạnh mà cây vẫn không bỏ cành. (Tiếc là bây giờ giữa hè mình không chụp được hình, sang năm sẽ bổ sung!)
–Cắt tỉa để giữ cây không phá thế: Khi cây đã định hình thì 1 năm cắt tỉa 2 đợt. Thế tại sao không tỉa cùng thời gian như Cắt tỉa tạo dáng? Tại vì tuy cách cắt trên tốt cho cây nhưng không tốt cho ta, cắt vậy lấy hoa đâu mà chơi tết.
Đợt 1: Khi cây đã hết hoa và lá phát ra dịp đầu xuân đã chuyển sang bánh tẻ, ta thực hiện cắt tỉa để giữ dáng cho năm sau. (Thường là khoảng tháng 2, giờ thời tiết thay đổi nhiều mọi thứ không còn như xưa nữa nên cũng khó nói, nhưng cứ lá chuyển sang xanh đậm là có thể cắt tỉa.)
Cây nhất chi mai cũng giống như đào, chỉ nảy hoa trên những cành non, cành già phát từ năm trước sẽ không nảy hoa. Do đó nên cắt thật mạnh, chỉ chừa lại khoảng 2-3 đốt ngón tay. Có một lưu ý nhỏ là thường sẽ sót lại vài chiếc lá sau khi cắt tỉa, bạn đừng buồn tay ngắt nó đi, hãy để lại đó để cây thở, sau này cây phát chồi thì cắt sau.
Đợt 2: Khoảng đầu tháng 7 âm, khi lá đã già thì ta cắt tiếp đợt 2 và cũng là đợt cuối cùng trong năm. Cách cắt tỉa giống như đợt đầu xuân.
Không nên để sang giữa tháng 7 trở đi trời miền Bắc có sương muối làm lá non bị quăn, yếu cây.
Nếu cắt sớm thì cành sẽ chóng già, cây ra hoa sớm.
Một lưu ý là không nên cắt tỉa lúc trời mưa, cây bị chảy nhựa sẽ yếu và bỏ cành. Bạn xem hình dưới, cây đã nảy lộc nhưng không đều, có một số cành bị khô.
Đến cuối tháng 10 âm lịch (trước tết khoảng 50 đến 60 ngày, tùy vào thời tiết năm đó rét hay ấm) là thời điểm lặt lá và đưa lên chậu nhỏ để chơi tết.
Thời tiết cũng rất quan trọng, nếu gió nồm thổi sớm thì vô phương cứu chữa. Chỉ cần gió nồm thổi 5 hôm là cây đang đen xì bỗng bật chồi xanh cả loạt.
Nếu hoa nở muộn thì dễ chữa hơn. Trước tết 20 ngày, nếu dự báo thời tiết vẫn rét đậm thì chỉ cần thắp điện, trùm nilong cho nhiệt độ khoảng 20oC, pha loãng lân với nước ấm để phun thì cây sẽ bật nụ.
Sâu bệnh và cách phòng trừ cho cây nhất chi mai
Chảy nhựa là vấn đề nan giải trên cây bạch mai. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như cây úng nước, thừa nước, sương muối.v.v.
Chủ yếu bệnh là do nấm. Nếu cây phát mạnh mà vẫn chảy nhựa thì ta có thể xác định là do nấm. Có thể sử dụng các thuốc diệt nấm như Ridomil, hợp chất vôi+lưu huỳnh pha loãng để phun.
Nhân giống nhất chi mai
Cây nhất chi mai khó chiết, khi chiết nó cứ sùi cục lên rất to nhưng không ra rễ. Tuy nhiên bẻ cành bánh tẻ đem giâm thì lại rất dễ dàng.
Những dáng thế của cây Nhất Chi mai
Càng vào dịp Tết nhất chi mai càng được săn lùng, đặc biệt là những cây mai có dáng thế độc đáo đầy ý nghĩa phong thủy. Chỉ những người sành về hoa mai mới hiểu được hết vẻ đẹp và giá trị của hoa. Họ thường chọn nhưng cây mai bonsai nhỏ nhắn có dáng, thế Tam đa, dáng Trực, dáng Xiêu, dáng Huyền…để trang trí trong nhà nhằm mục đích là mang lại may mắn, hạnh phúc, tài lộc và sức khỏe đến cho mọi người.
Trong đó dáng Trực là một trong những thế được yêu chuộng bởi mang ý nghĩa tôn kính bề trên, cách đối nhân xử thế hợp tình hợp lí mà còn là người ngay thẳng, thật thà mạnh mẽ và không nhu nhược như chính chủ nhân của nó.
Dáng Tam đa
Dáng tam đa hay còn gọi là tam tài – thiên, địa, nhân. Chỉ có một gốc, hoặc thân to có 3 tán tròn lớn xoay xung quanh trục. Dáng thế cây này mang ý nghĩa là làm ăn phát đạt, các thành viên trong gia đình luôn được may mắn hạnh phúc, đi lại hành thông, thiên thời – địa lợi – nhân hòa.
Dáng Huyền
Thế Huyền hay còn gọi là dáng thác đổ, được uốn, tạc phỏng theo những cây mọc trên sườn núi dôc đứng ngả về một bên.
Những cây Nhất chi mai có dáng huyền thường đổ nghiêng về một hướng nhất định giống như nước chảy từ đỉnh núi xuống. Với những cây nhỏ xinh được đặt trên đôn, kỉ phòng khách có dáng huyền này đổ xuống chào đón bằng những bông hoa màu trắng trong quả thực rất quý hiếm.
Ngày nay do sự phát triển của xã hội nên kiểu dáng bonsai có thêm nhiều dáng mới nhưng tựu chung lại chúng vẫn phản ánh được tư tưởng, tình cảm của con người qua những tác phẩm bonsai giá trị.
Ý nghĩa của cây Nhất chi mai
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta ca ngợi Nhất chi mai là loài hoa mang quốc hồn quốc túy. Từng cánh hoa tinh khiết nở rộ báo hiệu một mùa xuân tươi mới, an lành. Vẻ đẹp của hoa đã đi làm thi ca văn học mà trong đó người Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Sơn, một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỉ 19 trong văn học Việt Nam – Cao Bá Quát đã từng viết.
Thập tải luân giao cầu cổ kiến
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Tức là: Mười năm đi tìm gươm báu. Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai.
Nhất chi mai đã là biểu tượng của người quân tử trung tín, tiết tháo, ngoan cường chọc trời khuấy nước. Cao Bá Quát cúi đầu trước hoa mai là cúi đầu trước người quân tử, trung thành vì nghĩa lớn, cúi đầu trước vẻ đẹp quá đỗi thanh tao kiên cường của loài hoa này.
Mai cheo leo vách núi, thống khổ cùng con người trong những năm tháng hào hùng. Mai làm đẹp từng ngôi nhà, góc phố. Nhìn thấy những cành mai là nhớ tới bạn hiền, nhớ tới Tràng an thanh lịch.
Tác dụng chữa bệnh của cây nhất chi mai
Theo Tây y: Thành phần hóa học của hoa mai trắng chứa nhiều tinh dầu như cineole, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol… và 1 số chất khác như meratin, calycanthine, caroten… Hoa mai có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế 1 số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao…
Theo đông y: Hoa nhất chi mai có vị ngọt hơi đắng, tính ấm không độc, có cộng dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt, viêm đường hô hấp, giúp long đờm.
Thường người ta phơi khô hoa mai, hãm với nước nóng, uống thay trà để giữ ấm đường hô hấp, trong mùa đông, giảm ho, trừ ho do phế nhiệt, ho dai dẳng lâu ngày.
Sau đây là một số tác dụng của hoa nhất chi mai:
– Chữa hoa dai dẳng: HOa mai trắng 9 g hãm uống thay trà trong ngày. Hoa mai trắng 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
– Chữa chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai trắng 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.
– Chữa tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai trắng 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì uống.
– Chữa đau bụng do lạnh: hoa sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3-6g với rượu.
-Chữa viêm họng mạn tính: Hoa nhất chi mai 6g, hoa dành dành 5g, trà 20g. Ba thứ trộn lẫn chia làm hai lần hãm với nước sôi uống thay trà, mỗi ngày 1 thang.
– Chữa nấc: Hoa nhất chi mai 5g, tai hồng 5 cái, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Đem gừng tươi và thị đế sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, khi chín thì cho hoa mai trắng vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày.
– Chữa chán ăn do thử nhiện: Hoa nhất chi mai 10g, lá sen 50g, hãm với nước sôi uống nhiều lần trong ngày.
– Chữa đau khớp do phong thấp: Hoa nhất chi mai 9g, thạch nam đằng 9g, thổ nhĩ phong 9g, đem ngâm với 200mml rượu, mỗi lần uống từ 30-50 mml.
-Chữa viêm da, lở loét: Hoa nhất chi mai 6g đem ngâm với dầu lạch hoặc dầu vừng, sau hai tuần thì dùng được, bôi vào chỗ tổn thương mỗi ngày 2 lần.
– Chữa viêm loét môi và niêm mạc miệng: Hoa nhất chi mai tươi với lượng vừa đủ, đem giã với đường trắng rồi vắt lấy nước bôi vào chỗ tổn thương.
– Chữa bỏng nhẹ: Hoa nhất chi mai lượng vừa đủ ngâm với dầu trà rồi bôi vào vùng bỏng.
-Chữa nôn mửa: Hoa nhất chi mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt hòa thêm nước gừng tươi rồi uống.